Tôi viết về Cô bằng sự tự hào, kính trọng và ngưỡng mộ của người học trò dành cho người Thầy của mình – người cán bộ Kiểm sát với nghị lực, bản lĩnh phi thường; người có tình yêu lớn với Ngành kiểm sát và tâm huyết với sự nghiệp trồng người, ươm mầm những hạt giống tốt cho Ngành kiểm sát nhân dân. Người mà tôi muốn nhắc đến là Phó Giáo sư, Tiến sĩ luật, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Nhà giáo ưu tú - Vũ Thị Hồng Vân. Qua những bài giảng và qua những câu chuyện mà tôi được Cô chia sẻ về bản thân về con người và cuộc sống tôi học hỏi được từ Cô và nhận ra rất nhiều điều có ý nghĩa cho bản thân. Tôi muốn viết về Cô thay cho lời cảm ơn của mình gửi đến Cô vì những cống hiến không biết mệt mỏi của Cô cho Ngành kiểm sát nhân dân và lớp lớp thế hệ cán bộ, kiểm sát viên của Ngành kiểm sát trong đó có tôi.
Nhân duyên với Ngành kiểm sát
Cô Vũ Thị Hồng Vân sinh ra tại thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Điểm vô cùng trân quý và đáng học hỏi ở Cô là sự say mê học tập và nghiên cứu, có lẽ điều này được bắt đầu ngay từ khi Cô được sinh ra và thể hiện rõ nét từ bậc học phổ thông cho tới Đại học. Cô luôn là tấm gương về học tập và phấn đấu ở mọi cấp học mà Cô theo học trong đó có 04 năm liền là sinh viên xuất sắc khi học tại Trường Đại học Pháp lý với tấm bằng tốt nghiệp Đại học loại ưu. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Pháp lý năm 1988, cũng giống như bao sinh viên khác Cô cũng băn khoăn giữa nhiều lựa chọn công việc để bắt đầu bước vào trang quan trọng của cuộc đời. Cô quyết định chọn sự nghiệp trồng người - làm một giảng viên để bắt đầu sự nghiệp của mình. Và cái duyên đã đến với Cô, năm 1989 Cô đã được Ngành kiểm sát nhân dân “chọn” làm giảng viên của Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội - nay là Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.
Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao trao tặng
danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” cho Cô Vũ Thị Hồng Vân
Tấm gương về nghị lực, bản lĩnh, vượt khó
Từ khi bắt đầu bước chân vào Ngành kiểm sát với vai trò là một giảng viên giảng dạy về nghiệp vụ. Đối với một người chập chững bước vào nghề thì chắc chắn sẽ có rất nhiều khó, trở ngại với môi trường mới, đồng nghiệp mới, tính chất công việc mang tính đặc thù của Ngành kiểm sát cùng rất nhiều khó khăn khác…. nhưng những khó khăn bước đầu chưa thể làm khó được Cô mà chỉ là cơ hội để Cô chứng tỏ bản thân. Cùng với thời gian, sự nỗ lực phấn đấu của mình và sự giúp đỡ của lãnh đạo nhà trường, bạn bè, đồng nghiệp, Cô dần đã chứng minh cho tất cả chúng ta thấy bản lĩnh phi thường của một nhà giáo, một cán bộ kiểm sát xuất sắc. Trong suốt quá trình công tác, Cô đã 11 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; hai lần được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân; 11 năm đạt danh hiệu “Giảng viên giỏi” (Năm 1999, năm 2000, năm 2001, năm 2013, năm 2014, năm 2015, năm 2016, năm 2019, năm 2020, năm 2021, năm 2022) cùng rất nhiều Bằng khen của Viện trưởng Viện KSND Tối cao trong các đợt thi đua.
Tuy nhiên, khó khăn thực sự đến với Cô không phải đến từ công việc mà đến từ cuộc sống:
Chiến thắng bệnh tật và khẳng định sức mạnh nội lực của bản thân
Trong lúc mọi việc đang diễn ra tương đối thuận lợi thì một tin sét đánh đến với Cô và gia đình nhỏ của mình. Cô phát hiện mình mắc một trong các chứng bệnh nan y – bệnh ung thư tuyến giáp.
Khi biết thông tin trên, tôi không biết cảm giác của Cô lúc đó thế nào, nhưng đối với một người bình thường mọi cánh cửa tương lai dường như đang đóng lại ngay trước mặt. Bao nhiêu dự định hoài bão còn dang dở chưa kịp hoàn thành, bao nhiêu trách nhiệm với gia đình, con cái, tứ thân phụ mẫu của một người con dâu trưởng chưa kịp làm trọn vẹn. Cảm giác suy sụp và thất vọng bủa vây là điều có thể hình dung ra được. Tuy nhiên, bằng một cách nào đó không thể giải thích được, có lẽ là từ nội lực mạnh mẽ của Cô và ý chí không chịu khuất phục trước mọi khó khăn thử thách mà Cô đã vượt qua tất cả, từng bước một chiến thắng bệnh tật. Đây là tiền đề quan trọng cho những thành công nối tiếp thành công sau này.
Khi Cô vượt được một ngưỡng khó khăn nhất định, đặc biệt là vấn đề sức khoẻ thì nhân sinh quan, thế giới quan của Cô cũng có nhiều thay đổi. Cô bắt đầu tìm hiểu sâu hơn vào Phật pháp và các giáo lý của Nhà Phật. Cô nói với tôi rằng, “Sự chuyển biến về tâm thức tạo ra nội lực mạnh mẽ ở bên trong, Cô có khả năng ghi nhớ và học rất nhanh những kiến thức mới”. Còn bản thân tôi thì thấy rõ nhất một điều, đó là Cô có nhiều năng lượng hơn, khả năng diễn thuyết cũng tốt hơn, truyền cảm hứng nhiều hơn. Tôi có chút băn khoăn, có chút khó hiều vì một người vừa điều trị bệnh nan y xong, đang ở giai đoạn hồi phục sao có thể có nhiều năng lượng như vậy. Nhưng điều đó với tôi cũng không quá quan trọng, vì điều tuyệt với nhất là thấy Cô vui vẻ và khoẻ mạnh như bây giờ.
Ở giai đoạn này Cô cũng có được rất nhiều thành tựu có thể kể đến như sau: Cô Chủ trì 03 đề tài NCKH cấp Bộ nghiệm thu các năm: 2018 (02 đề tài), 2020 (01 đề tài) ; Tham gia 04 đề tài NCKH cấp Bộ nghiệm thu các năm: 2008, 2012, 2013, 2021; Tham gia 05 sáng kiến cấp Bộ được công nhận năm 2021; Chủ trì 08 đề tài NCKH, đề án cấp cơ sở nghiệm thu các năm: 2013, 2015, 2016, 2017, 2019, 2021, 2022; Chủ biên 11 giáo trình, Đồng chủ biên 02 giáo trình, Tham gia 02 giáo trình; viết 39 bài báo khoa học đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước, 01 bài báo khoa học đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế…
Điển hình tiên tiến trong nghiên cứu, học tập theo tấm gương chủ tịch Hồ Chí Minh và cống hiến cho Ngành kiểm sát nhân dân
Tư tưởng học tập suốt đời của chủ tịch Hồ Chí Minh: Ngày 21-7-1956, nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa I, Trường Đại học Nhân dân Việt Nam, Bác Hồ dặn: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, trang 215).
Trong số những người mà tôi từng biết có lẽ Cô là người thấm nhuần nhất tư tưởng học tập suốt đời của chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo lời Cô kể, có lẽ điều này xuất phát từ nhân duyên của Cô bởi ngay từ khi còn rất bé Cô đã có sự đam mê học hỏi những điều mới và cho tới hiện nay khi đã là một Phó giáo sư, Nhà giáo ưu tú Cô vẫn dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu những vấn đề mới, thời sự của Ngành kiểm sát, những vấn đề mang tính công nghệ vốn là thế mạnh của giới trẻ mà người nhiều người trẻ hiện nay không làm được.
Cô đã chủ động nghiên cứu từ thực tiễn, học liệu trong nước và ngoài nước để tham mưu cho Nhà trường và Viện kiểm sát nhân dân Tối cao triển khai “sơ đổ tư duy” áp dụng trong toàn Ngành kiểm sát. Kết quả là ngày 02/12/2022, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-VKSTC về công tác của Ngành Kiểm sát nhân dân năm 2023 trong đó xác định: “Năm 2023 là năm đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân”. Tổ chức tập huấn và trực tiếp hướng dẫn giảng dạy tập huấn về ứng dụng sơ đồ tư duy trong giải quyết vụ án hình sự, vụ việc dân sự, vụ án hành chính.
Cô là con người của thời kỳ mới, thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0. Cách mạng công nghệ 4.0 là cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật liên quan đến công nghệ số gồm nhiều lĩnh vực còn rất mới đối với Ngành kiểm sát. Cô chủ động nghiên cứu một trong những lĩnh vực mà hiện nay chưa nhiều người trong Ngành kiểm sát quan tâm, chú ý như Trí tuệ nhân tạo AI; Công nghệ Blockchain…
Kết quả của những sự nỗ lực, cống hiến gần như trọn cuộc đời công tác dành cho sự nghiệp trồng người là một thành quả vô cùng xứng đáng dành cho Cô. Ngày 25/4/2024 Cô đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”. Và đúng như phát biểu tại buổi Lễ trao tặng danh hiệu, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao nói “Đây là niềm tự hào không chỉ của cá nhân PGS.TS Vũ Thị Hồng Vân mà còn là niềm vui của Nhà trường nói riêng và ngành Kiểm sát nhân dân nói chung”.
Cô Vũ Thị Hồng Vân giảng về ứng dụng “Sơ đồ tư duy”
Cô cũng là người có tấm lòng từ bi, thiện tâm giúp đỡ người nghèo, những cá nhân có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Cá nhân tôi cũng có một vài lần được may mắn tham gia cùng Cô trong các chương trình thiện nguyện như thế. Nhưng với Cô, thiện nguyện là không mong cầu được đền đáp, càng không được phô trương. Thế nên tôi xin phép chỉ dừng lại nội dung này ở đây.
Năm 2024 này cũng là năm công tác cuối cùng của Cô trong Ngành kiểm sát, sau đó Cô sẽ nghỉ chế độ hưu trí. Có lẽ còn hơi sớm để nói lời tri ân, nhưng thông qua bài viết này, xin được gửi đến Cô lời chúc sức khoẻ, lời cảm ơn trân thành nhất vì những đóng góp to lớn của Cô đối với Ngành kiểm sát nhân dân, đối với mỗi học trò chúng em. Cô mãi là tấm gương sáng ngời về đạo đức, về ý chí phấn đấu vượt gian khó, khát vọng cống hiến cho Ngành kiểm sát mà mỗi cán bộ, kiểm sát viên chúng em cần học hỏi, noi theo./.
Trương Văn Tiến - Viện KSND quận Thanh Xuân
Đang truy cập : 106
Tổng lượt truy cập : 1396057