Phạm vi tham gia phiên tòa dân sự của Viện kiểm sát đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ

16/04/2015 14:59 | 35517 | 0

Từ công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự của Viện kiểm sát nhân dân quận Hai Bà Trưng, tác giả nêu lên khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện quy định về việc tham gia của Viện kiểm sát đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ.

Kể từ khi Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 (BLTTDS) ra đời, một trong những vấn đề quan trọng, có sự thay đổi lớn so với các quy định về tố tụng dân sự kinh tế, lao động trước đây là hạn chế phạm vi tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết các vụ việc dân sự của Viện kiểm sát nhân dân trong việc giải quyết các vụ việc dân sự. Tại khoản 2 Điều 21 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 quy định:

Viện kiểm sát nhân dân tham gia phiên Tòa đối với những vụ án do tòa án thu thập chứng cứ mà đương sự có khiếu nại, các việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, các vụ việc dân sự mà Viện kiểm sát kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án

Thực tiễn thi hành BLTTDS trong thời gian qua cho thấy, quy định của BLTTDS về việc tham gia của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa tạo điều kiện cho Viện kiểm sát thực hiện được đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Trong điều kiện thực tiễn của Việt Nam, trình độ dân trí còn hạn chế, người dân còn gặp nhiều khó khăn trong việc tự chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án, chưa có điều kiện mời Luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình và đội ngũ Luật sư hiện nay cũng chưa đáp ứng được yêu cầu tham gia tất cả các phiên tòa, hệ thống pháp luật còn bất cập, thiếu ổn định, quản lý hành chính nhà nước còn nhiều sơ hở, hoạt động bổ trợ tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ tư pháp còn bất cập so với yêu cầu cải cách tư pháp... Thực tế, có nhiều vụ việc giải quyết chưa bảo đảm tính khách quan, gây khiếu kiện bức xúc, kéo dài, khiếu kiện đông người làm mất ổn định trật tự xã hội. Hàng năm, tỷ lệ bản án, quyết định dân sự của Tòa án bị hủy, bị sửa do có sai sót vẫn không giảm nhưng Viện kiểm sát không kịp thời phát hiện để kháng nghị, điều này có nguyên nhân do pháp luật hạn chế phạm vi tham gia phiên Tòa dân sự của Viện kiểm sát nên số vụ án dân sự có Viện kiểm sát tham gia phiên tòa chiếm tỷ lệ thấp, Viện kiểm sát chủ yếu chỉ thực hiện chức năng kiểm sát thông qua việc nghiên cứu các Thông báo, Quyết định, Bản án của Tòa án. Do đó, rất khó phát hiện được vi phạm để kịp thời kháng nghị.

Tại Thông báo số 230 - TB/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 26/3/2009 "Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 49 - NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” cũng nêu rõ "Tiến độ giải quyết các vụ, việc dân sự còn chậm, chất lượng xét xử các vụ án dân sự còn thấp, . . . trong đó có nguyên nhân là chưa có cơ chế giám sát, kiểm sát có hiệu quả việc giải quyết các vụ án dân sự”.

Để khắc phục những vướng mắc, bất cập nêu trên của Bộ luật TTDS năm 2004, bảo đảm phù hợp với thực tế phát triển kinh tế, xã hội và thực trạng hoạt động tư pháp dân sự, hành chính ở nước ta, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo các Nghị quyết của Đảng. Vừa qua, Quốc hội khóa XII đã ban hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật TTDS với nhiều nội dung đổi mới so với các quy định của pháp luật hiện hành, trong đó đã quy định theo hướng mở rộng thẩm quyền của Viện kiểm sát tham gia các phiên toà dân sự, bảo đảm việc thực hiện có hiệu quả chức năng kiểm sát. Điều 21 kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTDS được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Viện kiểm sát nhân dân tham gia các phiên họp sơ thẩm đối với các việc dân sự; các phiên toà sơ thẩm đối với những vụ án do Toà án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có một bên đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần.

3. Viện kiểm sát nhân dân tham gia phiên toà, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.”

Trên cơ sở quy định tại khoản 2 Điều 21 BLTTDS, Điều 7 Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC (gọi tắt là TTLT số 04) hướng dẫn chia đối tượng tranh chấp dân sự mà Viện kiểm sát (VKS) phải tham gia phiên tòa làm bốn nhóm, trong mỗi nhóm có đưa ra khái niệm để làm cơ sở xác định. Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều trường hợp rất khó phân biệt nên gặp khó khăn lúng túng trong việc xác định vụ án mà VKS phải tham gia phiên tòa, cụ thể như sau:

* Đối với các vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ: Thông tư liên tịch số 04 hướng dẫn các trường hợp do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ theo khoản 2 Điều 85 và các điều 86, 87, 88, 89, 90, 92, 93 và 94 BLTTDS thì Viện kiểm sát tham gia phiên tòa. Tuy nhiên trong thực tế có những trường hợp để có cơ sở giải quyết đúng đắn vụ án, Tòa án tiến hành các biện pháp thu thập tài liệu khác, các tài liệu Tòa án thu thập này không phải là chứng cứ theo quy định tại Điều 81 BLTTDS và cũng không phải do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 85 BLTTDS mà chỉ là yêu cầu cá nhân, tổ chức xác nhận những sự việc, những thông tin liên quan, ví dụ như: yêu cầu chính quyền địa phương hoặc Công an xác nhận về tình trạng hôn nhân, nhân thân, cung cấp về hộ khẩu, địa chỉ; xác nhận về tình trạng tạm trú, tạm vắng, mất tích; yêu cầu tổ chức hoặc cá nhân xác nhận về giá cả thị trường từng thời điểm, giá trị về tài sản cùng loại hoặc đặc định; yêu cầu xác nhận về phong tục, tập quán…các biện pháp thu thập thông tin trên chưa được quy định trong luật, nên TTLT số 04 không hướng dẫn. Trong những trường hợp như vậy, VKS có phân công Kiểm sát viên tham gia phiên tòa hay không?

Hoặc trong vụ án hôn nhân gia đình Tòa án không sử dụng các biện pháp thu thập chứng cứ được quy định tại khoản 2 Điều 85 và các điều 86, 87, 88, 89, 90, 92, 93 và 94 BLTTDS. Các chứng cứ có trong hồ sơ đều do đương sự cung cấp. Tuy nhiên, trường hợp Tòa án tiến hành ghi lời khai để xem xét nguyện vọng của con từ đủ 9 tuổi trở lên có được coi là biện pháp thu thập chứng cứ hay không? Liên quan đến vấn đề này  tác giả đưa ra một ví dụ cụ thể sau đây:

Ngày 15/05/2013 anh Nguyễn Huy H có đơn xin ly hôn gửi tới Tòa án. Tại đơn xin ly hôn và các Bản tự khai anh H  khai như sau:

Anh và chị Lê Thiên V lấy nhau có đăng ký kết hôn tại UBND Phường Bạch Mai, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội ngày 23/08/2005 trên cơ sở tự nguyện có tìm hiểu nhau. Sau khi kết hôn vợ chồng về chung sống tại số nhà 43 Phố Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Vợ chồng anh, chị sống hạnh phúc đến tháng 05/2013 thì phát sinh mâu thuẫn nguyên nhân do không còn tình cảm nên vợ chồng thường có lời lẽ xúc phạm, không tôn trọng lẫn nhau. Nay anh H xác định tình cảm vợ chồng không còn và xin được ly hôn với chị V.

- Về con: anh và chị có 01 con chung là cháu Nguyễn Huy An (Sinh ngày 15/04/2000). Khi ly hôn anh có nguyện vọng nuôi cháu Nguyễn Huy An, không  yêu cầu chị V đóng góp nuôi con.

- Về tài sản nhà ở chung: Tự thỏa thuận, không yêu cầu Tòa án giải quyết.

- Về nợ chung: Không nợ ai, không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Lời khai của bị đơn – Chị Lê Thiên V trình bày:       

Xác nhận lời khai của anh H là đúng. Vợ chồng chung sống hạnh phúc đến tháng 05/2013 phát sinh mâu thuẫn nguyên nhân Anh H thường xuyên có quan hệ ngoài vợ chồng với người phụ nữ khác để chị bắt gặp nhiều lần, anh H thường xuyên uống rượu đi sớm về muộn. Về nhà chửi mắng vợ, không quan tâm đến vợ con. Anh chị đã sống ly thân từ nhiêu tháng nay. Nay anh H làm đơn ra Tòa chị đồng ý ly hôn.

- Về con: Chị xác nhận có 01 con chung là cháu Nguyễn Huy An (Sinh ngày 15/04/2000). Chị đề nghị Tòa án giao cháu Nguyễn Huy An cho chị nuôi chị không yêu cầu anh H đóng góp nuôi con.

- Về tài sản nhà ở chung: Tự thỏa thuận, không yêu cầu Tòa án giải quyết. Về nợ chung: Không nợ ai, không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án tiến hành ghi lời khai của cháu Nguyễn Huy An. Tại biên bản lấy lời khai ngày 06/6/2013, cháu Nguyễn Huy An có nguyện vọng ở với mẹ. Tòa án đã tiến hành hòa giải vào các ngày 10/6/2013 và ngày 26/6/2013 nhưng các bên không hòa giải được với nhau về vấn đề nuôi con.

Ngày 20/7/2013 Tòa án có Quyết định đưa vụ án ra xét xử và chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát để tham gia phiên tòa.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án có hai quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Việc Tòa án lấy lời khai của cháu Nguyễn Huy An vào ngày 06/6/2013 là biện pháp thu thập chứng cứ phù hợp với điểm a khoản 2 Điều 85 Bộ luật TTDS. Do vậy, thuộc trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa.

Quan điểm thứ  hai cho rằng: Trường hợp Tòa án tiến hành ghi lời khai để xem xét nguyện vọng của con từ đủ 9 tuổi trở lên, giúp Tòa án quyết định việc giao cho cha hoặc mẹ nuôi con khi ly hôn nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người con chưa thành niên nên việc Tòa án tiến hành lấy lời khai của người con chưa thành niên không phải là biện pháp thu thập chứng cứ theo điểm a khoản 2 Điều 85 Bộ luật TTDS.

Tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai vì theo khoản 2 Điều 92 Luật hôn nhân gia đình năm 2000 thì việc Tòa án tiến hành ghi lời khai để xem xét nguyện vọng của con từ đủ 9 tuổi trở lên là bắt buộc nên không coi là trường hợp Tòa án thu thập chứng cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 85 BLTTDS.

Qua phân tích và dẫn chứng vụ việc cụ thể như trên, có thể thấy việc tham gia của Viện kiểm sát đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ còn nhiều lúng túng, vướng mắc và bất cập. Do vậy, để thống nhất việc xác định vụ án mà VKS phải tham gia phiên tòa và phù hợp với tình hình thực tế thiết nghĩ cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể trường hợp nào được coi là Tòa án thu thập chứng cứ, trường hợp nào được coi hoạt động có tính đặc thù trong giải quyết các vụ án dân sự của Tòa án.

Hồng Hạnh - Viện KSND quận Hai Bà Trưng

HÌNH ẢNH

ĐĂNG NHẬP

Website liên kết

Thống kê truy cập

Đang truy cập Đang truy cập : 111

Tổng lượt truy cập Tổng lượt truy cập : 1396074