Giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thi hành án hành chính của Viện KSND thành phố Hà Nội

23/02/2024 11:11 | 973 | 0

        I. Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kiểm sát thi hành án hành chính:

        Thi hành án hành chính là quá trình hiện thực hóa bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực trên thực tế. Thi hành án hành chính có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm thực thi công lý, là “khâu cuối cùng để công lý được thực thi”. Vì vậy, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính là yêu cầu tất yếu nhằm góp phần bảo đảm xây dựng thành công chế độ pháp chế xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân ở Việt Nam. Trong những năm qua, toàn ngành Kiểm sát thành phố Hà Nội luôn chú trọng, đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện tốt và có hiệu quả khâu công tác kiểm sát thi hành án hành chính.

        Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện và áp dụng pháp luật còn có những khó khăn, vướng mắc và bất cập cụ thể:

        - Việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân là người phải thi hành án theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP của Chính phủ và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP của Chính phủ, trong thực tế hiện nay chưa được quan tâm tổ chức thi hành.

        - Hiện nay trong Luật tố tụng hành chính quy định 26 Điều về thủ tục thi hành Bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính và Nghị định 71/2016/NĐ-CP đã hướng dẫn quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, nhưng còn một số nội dung chưa được quy định rõ, như:

        + Trong bản án hành chính của TAND không nêu cụ thể việc người được thi hành án hành chính, trong thời hạn 1 năm phải có đơn yêu cầu TAND ra quyết định buộc thi hành án.

        + Không quy định rõ trách nhiệm của cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án

        + Đối với Cơ quan THADS công tác thi hành án hành chính mới thực hiện việc theo dõi, chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm.

        - Quy định về thời hạn tự nguyện THAHC: Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP quy định người phải thi hành án có trách nhiệm thi hành bản án quyết định của Tòa án trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 311 Luật TTHC. Tuy nhiên, quy định này chưa quy định cụ thể trong thời hạn tự nguyện thi hành án, người phải thi hành án phải thi hành xong nghĩa vụ theo nội dung bản án hay chỉ cần thi hành được một trong các bước để thi hành bản án. Điều này gây khó khăn trong việc xác định có hay không việc vi phạm nghĩa vụ THAHC trong những vụ việc THAHC cụ thể.

        - Về phạm vi bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính thuộc trách nhiệm theo dõi của cơ quan THADS: Điều 14 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP quy định khi nhận bản án, quyết định về vụ án hành chính do Tòa án gửi, các cơ quan THADS phân công Chấp hành viên thực hiện theo dõi việc THAHC và trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan THADS có trách nhiệm ra văn bản thông báo về việc tự nguyện thi hành án. Theo quy định này, phạm vi bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính thuộc trách nhiệm theo dõi THAHC của cơ quan THADS chưa được quy định rõ, dẫn đến thực tiễn đang có 02 quan điểm khác nhau về phạm vi bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính thuộc trách nhiệm theo dõi THAHC của cơ quan THADS. Trong khi Luật TTHC năm 2015 tại khoản 2 Điều 312 quy định quyết định buộc THAHC phải được gửi cho cơ quan THADS nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm để theo dõi việc thi hành án theo quy định của Tòa án.

        -  Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP quy định trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan THADS có trách nhiệm ra văn bản thông báo về việc tự nguyện thi hành án gửi người phải thi hành án. Khó khăn, vướng mắc đối với cơ quan THADS cũng như khó khăn trong quá trình kiểm sát thi hành án hành chính khi thực hiện nhiệm vụ này đó là: không xác định được thời điểm người phải thi hành án nhận được bản án, quyết định của Tòa án để ra văn bản thông báo nghĩa vụ tự nguyện thi hành án, vì có trường hợp khi cơ quan THADS nhận được bản án, quyết định của Tòa án thì người phải thi hành án đã hết thời hạn tự nguyện thi hành án theo quy định của Luật hoặc đã thi hành xong bản án.

        - Quyền hạn của VKS trong việc kiểm sát thi hành quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính còn hạn chế. Cụ thể: Theo quy định tại khoản 2 Điều 312 Luật TTHC năm 2015, Tòa án đã xét xử sơ thẩm phải ra quyết định buộc THA hành chính. Quyết định buộc THA phải được gửi cho người phải THA, người được THA, Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải THA và VKS cùng cấp. Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải THA có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm của người phải THA theo quy định của pháp luật. Quyết định buộc THA cũng phải gửi cho cơ quan THA dân sự nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm để theo dõi việc THA hành chính theo quyết định của Tòa án. Như vậy, theo quy định trên, các chủ thể được gửi quyết định buộc THA của Tòa án đều có quyền hạn nhất định để bảo đảm cho bản án, quyết định của Tòa án được thi hành như: Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải THA có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm của người phải THA theo quy định của pháp luật; cơ quan THA dân sự nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm theo dõi việc THA hành chính theo quyết định của Tòa án. Trong khi đó, điều luật này không quy định VKS được thực hiện quyền gì khi nhận được quyết định buộc THA của Tòa án. Nếu căn cứ vào Điều 315 Luật TTHC năm 2015 về kiểm sát THA hành chính VKS chỉ được thực hiện quyền kiến nghị để bảo đảm cho bản án, quyết định của Tòa án được thực thi một cách hiệu quả. Tuy nhiên, do không có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn nội dung này nên việc triển khai thực hiện trên thực tế gặp không ít khó khăn, cụ thể như VKS sẽ kiến nghị đến chủ thể nào, nội dung kiến nghị là gì, phương thức kiến nghị như thế nào và VKS được quyền làm gì tiếp theo nếu như sau khi đã kiến nghị nhưng quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính vẫn không được người có nghĩa vụ THA thi hành.

Viện KSND thành phố Hà Nội phối hợp với Cục thi hành án dân sự thành phố

làm việc với UBND quận Nam Từ Liêm đôn đốc việc thi hành bản án hành chính

        II. Các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thi hành án hành chính của VKSND thành phố Hà Nội:

        -  Tiếp tục tăng cường công tác phối hợp liên ngành giữa Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và các ban ngành chức năng có liên quan THADS tại địa phương để huy động sức mạnh tổng hợp trong tổ chức thi hành án đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Viện kiểm sát hai cấp thường xuyên nắm bắt và theo dõi tiến độ thi hành án, kiểm sát chặt chẽ hồ sơ, họp bàn và thống nhất biện pháp giải quyết thi hành án, nhất là với các vụ việc có khó khăn, phức tạp.

        - Đề nghị liên ngành thành phố tăng cường chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thi hành các bản án, quyết định tuyên không rõ, có sai sót, khó thi hành.

        - Nâng cao chất lượng các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính: Các phán quyết của Tòa án không chỉ phải đúng quy định của pháp luật mà còn phải bảo đảm tính khả thi, rõ ràng và phù hợp với thực tiễn, tránh tình trạng một số bản án tuyên chung chung, thiếu rõ ràng và khó thi hành trên thực tế. Do đó, đòi hỏi Thẩm phán không chỉ nắm chắc các quy định của pháp luật về xét xử các vụ án hành chính mà còn nắm vững các quy định của pháp luật có liên quan để bảo đảm các bản án được ban hành, có hiệu lực pháp luật đều có thể thi hành được.

        - Kiến nghị xem xét quy định cụ thể các biện pháp cưỡng chế đối với cả cơ quan nhà nước, cán bộ công chức bị kiện trong trường hợp không chấp hành án hoặc chấp hành không đúng bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính.

        - Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành và UBND các cấp trong việc chấp hành, chỉ đạo chấp hành nghiêm các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật.

        Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của lãnh viện, lãnh đạo phòng, phòng 11 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong việc nắm, theo dõi và phối hợp với Cục thi hành án dân sự thành phố trong công tác kiểm sát thi hành án hành chính (ban hành 02 kiến nghị đối với UBND cấp quận trong công tác thi hành án hành chính). Với thành tích đã đạt được, năm 2024 phòng 11 sẽ tiếp tục phát huy và nâng cao chất lượng trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của ngành trong thời gian tới, góp phần giữ vững danh hiệu “Tập thể hai năm liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”./.

Vũ Anh Tuấn - Phòng 11

HÌNH ẢNH

ĐĂNG NHẬP

Website liên kết

Thống kê truy cập

Đang truy cập Đang truy cập : 256

Tổng lượt truy cập Tổng lượt truy cập : 1493508